70% nguyên liệu của ngành dệt may phải nhập khẩu

Viết bởi: admin Xuất bản bởi: Thị trường nguyên liệu Cập nhật ngày: 2016-12-10 Số lượt truy cập: 1905 Bình luận: 0

Ngành công nghiệp dệt may Việt Nam là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của VN, tốc độ tăng trưởng 20%/năm, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may chiếm khoảng 15% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng hiện nay gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài: 70% nguyên phụ liệu dệt may VN phải nhập khẩu. Giá trị thu về từ xuất khẩu dệt may là rất thấp, bởi dệt may VN chủ yếu là gia công cho nhà nhập khẩu nước ngoài.

Nhập khẩu ngày càng tăng
 
Theo thống kê, trong tháng 7, kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may gồm bông, sợi, xơ đã tăng 32% so với cùng kỳ năm 2006, đạt trên 200 triệu USD. Tháng 6 đạt 250 triệu USD, tăng 42,9% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 7 tháng đầu năm, nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt khoảng 1,3 tỉ USD, tăng khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2006.
 
Hiện nay, nhu cầu về nguyên liệu nhập khẩu để bảo đảm sản xuất cần đến 95% xơ bông, 70% sợi tổng hợp, 40% sợi xơ ngắn, 40% vải dệt kim và 60% vải dệt thoi. Qua đó, có thể thấy rằng cả một ngành công nghiệp dệt may gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Vì vậy để sản xuất ổn định, hầu như các công ty ngành dệt may đều phải chấp nhận gia công cho đối tác nước ngoài, dù lợi nhuận thấp. Bởi khi gia công, đối tác sẽ cung ứng kịp thời, đầy đủ nguyên phụ liệu.
 
Còn sản xuất theo dạng FOB (mua đứt, bán đoạn), lợi nhuận cao hơn, nhưng bù lại phải chịu khó tự tìm nguồn nguyên phụ liệu bằng cách nhập khẩu.
 
Hàng nhiều nhưng chất lượng thấp
 
Theo Phó Chủ tịch Hội Dệt may-Thêu đan, thì ngành dệt may VN chỉ có thể đáp ứng 30% nhu cầu nguyên phụ liệu và điều này không có nghĩa là năng lực của ngành kém, không đủ sức sản xuất. Về cơ bản, phụ liệu nội địa có thể đáp ứng đủ và nguyên liệu nội địa có thể đáp ứng đến 70% nhu cầu sản xuất; nhưng do yêu cầu về thành phẩm của đối tác nước ngoài cao, nguyên phụ liệu VN chưa đáp ứng được, tất phải nhập từ nước ngoài. VN hiện chưa có đội ngũ thiết kế kiểu dáng nguyên liệu (vải) chuyên nghiệp.
 
Tất cả các nước đều phải nhập khẩu nguyên phụ liệu, kể cả Trung Quốc vì nhu cầu trên thế giới rất đa dạng, không thể cùng lúc đáp ứng hết được. Vấn đề là tập trung nội lực phát triển sâu, mạnh, có định hướng vào loại nguyên liệu nhất định nào đó để nó trở thành nguồn cung cấp chính cho thị trường thế giới.
 
Cũng theo Phó Chủ tịch Hội Dệt may – Thêu đan, để ngành dệt may VN trong mắt thế giới sẽ có tầm hơn, đủ mạnh để có vị thế hợp tác ngang bằng nhằm mua được hàng hóa với giá hợp lý nhất thì cần nhanh chóng xây dựng trung tâm nguyên phụ liệu dệt may. Thay vì tập trung vào xây dựng nhà máy dệt, nên đầu tư vào khâu thiết kế sản phẩm dệt, tạo ra thương hiệu riêng cho dệt VN trên thế giới. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có cơ chế khuyến khích các DN dệt nước ngoài đầu tư vào VN để giúp dệt VN tiếp cận công nghệ hiện đại thế giới.
 
Một trung tâm nguyên phụ liệu ngành dệt may là rất cần thiết. Tuy nhiên, trung tâm này phải do Nhà nước lập ra, quản lý để có thể kiểm soát trong giai đoạn nhạy cảm hiện nay.
 
Theo  Vinanet

Để lại bình luận

Mã xác thực